Trùng sinh Vũ Ngọc Mai – Cáo Chín Đuôi (chương 8)

 

Chương 8: Tết nguyên đán (2)
Chiều ba mươi tết.
Bà ngoại bắt con gà mập mạp nuôi từ đầu năm đến giờ cho cậu giết để làm cơm chiều. Bà đun một nồi nước rất to, trong đó bỏ thân và lá của cây mùi già, lá bưởi, lại nướng mấy quả bồ kết. Thời này chưa dùng dầu gội đầu nhiều đâu, toàn dùng bồ kết. Tóc rất mượt, đen. Nước lá dành để tắm, còn bồ kết sẽ ngâm vào trong nước để gội đầu. Bà nói, phải dùng nước lá thơm thơm để tẩy sạch bụi bẩn, không may mắn của năm cũ, rồi đón năm mới ấm áp, vui vẻ.
Buổi tối sau khi ăn cơm xong mọi người ngồi quây quần xem chương trình văn nghệ bằng cái ti vi nhỏ xíu, đen trắng, màn hình lồi, khoảng mười ba mười bốn inch gì đó. Tuy không phải ti vi màu hiện đại gì, chương trình cũng đơn giản nhưng mà nó lại đem đến sự ấm áp, vui vẻ cho cả gia đình, điều mà sau này, khi xã hội phát triển thì lập tức bị phá vỡ, người ta bị cuộc sống xô bồ đùn đẩy. Một bữa cơm cùng nhau còn khó chứ đừng nói quây quần xem ti vi. Ngày tết thay vì đoàn viên thì nhiều người lại là đi du lịch. Người ta chẳng còn coi trọng những giá trị tốt đẹp này nữa.
________________

 

 

Sáng mùng một, Ngọc Mai tự giác dậy sớm. Nói dậy sớm chứ chỉ là sớm hơn mọi ngày một chút thôi. Bà ngoại đã chuẩn bị xong mâm cơm cúng buổi sáng. Nhanh chóng vệ sinh cá nhân, mặc vào bộ quần áo bà mới mua cho hôm trước. Vì năm nay không nóng, nên cô chỉ mặc một chiếc áo len mỏng màu đỏ, được thêu con mèo ngộ nghĩnh, quần bò xanh, đính hoa. Nói thật cô trông mình thật ngu ngốc thế mà cả nhà lại khen đẹp với đáng yêu.

 

 

Đêm hôm qua, người xông đất năm nay là bác Luân cùng anh Dương. Cô lúc đấy ngủ mất rồi cho nên không được xem đốt pháo. Tuy nhiên bác vẫn cho cô một cái lì xì to, đỏ chót.
Sau khi ăn cơm xong, bảy giờ sáng, Ngọc Mai ở nhà cùng bà, còn ông ngoại cùng hai cậu đều đi sang nhà bác Luân – con cả ông Bình, sau đó sẽ cùng đi lễ tổ. Và tất nhiên là chỉ có đàn ông, con trai đi vì đàn bà con gái, trừ khi có công có việc thì không thể nào được vào từ đường. Hơn nữa cô lại còn là cháu gái ngoại, mang họ Vũ, không phải họ Đoàn. Sau này thì điều này sẽ đổi khác nhưng hiện tại thì đúng là vậy.
Lễ tổ về thì cũng là buổi trưa, và đương nhiên lại làm cơm cúng, một ngày ba bữa như vậy a. Ngọc Mai nghĩ các cụ nói cấm có sai: “Làm như ngày mùa thì để đâu cho hết. Ăn như ngày tết thì lấy gì ăn.” Ba ngày tết, mỗi ngày ba bữa cơm cúng. Bà ngoại nói thật ra thì làm cơm cúng cùng với việc giữ lửa đỏ suốt ba ngày tết, không để bếp tắt chỉ là vì các cụ luôn mong muốn con cháu lúc nào cũng no đủ, ấm áp, sung túc, là hi vọng về tương lai tốt đẹp hơn mà thôi. Ngọc Mai lúc này mới à một tiếng, cũng phụ giúp bà bưng bát canh thập cẩm ngon lành lên nhà.
Sau khi ăn xong, trong nhà liền lục tục đón khách, đồng thời cũng đón bố mẹ Ngọc Mai cùng với vợ chồng dì Ngân. Đáng lẽ thì ngày mai con rể mới cần đến nhà bố vợ. Thế nhưng mà vì cô ở nhà bà, bố mẹ cô lo lắng nếu như mùng hai mới xuống, cô đi chúc tết với các cậu, lại thấy nhà người ta có bố mẹ đưa đi chúc tết, mình thì không, sẽ sinh ra bóng ma tâm lý. Hơn nữa bên nội của cô đa số mọi người đều ở gần nhau cho nên chỉ một buổi sáng đã chúc tết được hết cả. Còn những nhà ngang hàng với bố cô thì mùng hai mùng ba đi là được. Thói quen này cứ duy trì cho đến tận sau này, mãi đến khi cô lấy chồng.
______________
“Cậu ơi, cậu không đi được không?” Ngọc Mai nước mắt ngắn nước mắt dài bám lấy áo Minh. Nhìn con bé đáng thương hề hề nhìn mình, trong lòng Minh mềm nhũn. Nhưng mà vẫn không thể không an ủi.

 

 

“Bống ngoan, cậu phải đi chứ, sao có thể làm trái lệnh được? Làm trái lệnh sẽ bị phạt đấy. Bống muốn cậu bị phạt à?” Minh ngồi xuống, ôm Ngọc Mai nói. Trong số tất cả mấy đứa cháu thì anh cũng như mọi người đều thương Ngọc Mai nhất, cũng chiều chuộng Ngọc Mai nhất.
“Không ạ.” Ngọc Mai lắc đầu, làm sao có thể muốn cậu bị phạt chứ. Nhưng mà cả năm cậu về có hai lần, hôm nay mới mùng hai tết đã phải đi rồi. Vốn dĩ mùng năm mới đi, thế nhưng Minh nhận được lệnh triệu tập khẩn cấp. Cô không biết là tại sao mình lại nổi tính tình trẻ con như thế này nhưng mà cô biết, cô luyến tiếc, luyến tiếc thời gian ở bên người thân. Hơn nữa, mùng hai tết, khi mà người ta còn đang quây quần đầm ấm bên gia đình thì cậu cô lại phải đi. Thật sự là, . . .

 

 

Lúc này cô rốt cuộc hiểu vì sao bà ngại không muốn con cháu mang lên mình bộ quân phục. Bởi vì khi ấy người con, người cháu đã mang thêm một trách nhiệm nặng nề khác – là một chiến sĩ, lấy Tổ quốc làm đầu, quân lệnh như sơn. Cô còn mhớ trước đây từng nghe một người vợ có chồng là lính lục quân đã nói là : không biết tại sao bản thân mình lại yêu người đàn ông là quân nhân để làm gì ? Cuối cùng lại có thêm một Mẹ chồng là Đất nước, một Em chồng là Tổ quốc.
“Cậu phải đi rồi, nếu lên đơn vị muộn sẽ bị phạt mà. Hơn nữa, còn có các chú khác đang đợi nhóm của cậu lên đổi ca để về mà. Chú Phong của con cũng đang đợi nhóm của cậu đấy.” Minh kiên nhẫn dụ dỗ. Ngọc Mai hiểu, đương nhiên hiểu chứ, nhưng mà, . . .
“Không phải là chú Phong. Là cậu Phong. Vậy khi nào thì cậu mới lại về với Bống?” Ngọc Mai quệt nước mắt, chu môi nói. Trong lòng thầm nghĩ càng sống càng thụt lùi, có thể khóc lóc thành cái dạng này.
“Hè, hè cậu sẽ về. ” cuối cùng thì cũng dụ được. Minh thở phào, tuy nhiên trong lòng anh rất ấm áp, có cháu gái mong mỏi mình thì đương nhiên là vui vẻ.
Mùng hai tết, sáng sớm, Minh cùng với một nhóm khác cùng về với anh trong đợt này đã trở lại đơn vị. Trong nhà buồn hơn hẳn. Ngọc Mai thấy bà ngoại lau nước mắt thì chạy đến ôm bà. Phải, làm gì có người mẹ nào không thương con chứ, nhất là trong ngày gia đình đoàn tụ mà nhà mình lại phải chia xa.
Chiều tối ngày mùng bảy, mấy anh em tụ tập ở nhà ông ngoại, còn có cả cậu Phong.

 

 

“Tối nay đi chợ Âm phủ nhé. Bống có đi không?” Cậu Hoàng lên tiếng. Chợ Âm phủ là tên gọi phiên chợ đêm, mỗi năm một lần ở chỗ cô. Phiên chợ kéo dài hai ngày mùng bảy và tám tháng Giêng âm lịch. Cả phiên chợ được gọi là chợ Viềng. Còn đêm mùng bảy, rạng sáng ngày mùng tám được gọi là chợ Âm phủ.

 

 

 

“Có ạ. Cho con đi nữa, con xin bà rồi mà.” Ngọc Mai lắc lư cánh tay cậu Hoàng. Nói thật, tuy là gốc nơi này, nhưng cô chưa bao giờ đi chợ Âm phủ bởi vì cô toàn ngủ quên mất. Mà mọi người thì không thể nào mà lôi con ma ngủ đi chợ được. Đông lắm chứ có phải ít người đâu.
“Vậy được. Lát nữa, anh Phong và em phụ trách cõng Bống. Thành và Dương để ý mấy đứa Thiên, Lâm, Vũ và Khánh. Mấy đứa này nghịch lắm, phải để ý nhau. Trời tối, mà người đi chợ thì đông. Lạc nhau là khổ lắm.” Mọi người gật đầu nghe phân phó của Hoàng. Chợ Âm phủ cũng không ít lần có thông báo tìm trẻ lạc a.
Tám giờ tối mọi người xuất phát. May mắn hôm nay đẹp trời chỉ lạnh mà không có mưa. Cái kiểu mưa dầm mưa dề, trời xuân nồm ẩm luôn làm người ta khó chịu vì ướt át, bẩn thỉu. May mắn hôm nay khô ráo. Ngọc Mai lúc này đang được Phong cõng đi. Anh phụ trách cõng đi, cõng về là Hoàng.
Thời này điện lưới còn yếu, chưa có đèn siêu sáng gì gì, chỉ có đèn sợi đốt thôi nên ánh sáng lù mù lắm, cho nên nhiều hàng quán còn đốt thêm mấy ngọn đuốc.
Đây là phiên chợ rất đặc biệt, người bán và người mua đều không cò kè mặc cả. Đây còn gọi là phiên chợ cầu may, mua may bán rủi. Người ta đi chợ đều mong muốn cầu lộc, cầu tài, cầu bình an.
Phiên chợ này bán rất nhiều thứ nhưng chủ yếu là mấy thứ nông cụ sản xuất như liềm, cuốc, dao. . ., đồ tre nứa. Hoặc bán cây giống, cây hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, chợ phiên này còn có điểm đặc biệt là buôn bán, trưng bày đồ cổ hoặc đồ giả cổ.
Ngọc Mai vui vẻ nhìn ngó. Thật náo nhiệt, cậu Hoàng vừa mua cho cô một con tò he hình con mèo. Trong tay   lại cầm kẹo bông, đường dính ở khóe miệng cũng không thèm lau, bị trêu ghẹo là con mèo hoa nhỏ. Ngọc Mai đắc ý nói mèo hoa nhỏ đáng yêu làm mọi người á khẩu.

 

 

Hôm ấy Ngọc Mai chơi vui vẻ quên trời đất. Mọi người nhìn chỉ biết lắc đầu. Bình thường như bà cụ non, chỉ những lúc này mới ra dáng trẻ con. Phong nhìn Ngọc Mai cười mà thấy trong lòng như có gì đó chậm rãi lan tràn. Anh muốn mãi nghe được tiếng cười trong trẻo ấy. Phong giật mình về suy nghĩ này, anh bị làm sao vậy? Phong không biết, cũng như không hiểu được tình cảm của bản thân mình, cho đến sau này khi anh nhận ra thì đã không còn kịp. Ngoài chúc phúc, anh chẳng thể làm gì khác.

 

 

Ngọc Mai chơi đến mệt mỏi cho nên khi được Hoàng cõng về thì đã gục ngủ luôn trên lưng anh. Hoàng bất đắc dĩ mà cười. Ai cũng mua một ít đồ nho nhỏ, hoặc cây hoa, cây giống gì đó. Thiên còn cầm giúp con tò he cho Ngọc Mai. Hoàng nói nếu làm mất ngày mai con nhóc này không thấy sẽ khóc nhè, dỗ không được đâu.

 

 

Tết qua đi, thời gian như thoi đưa, mọi người đều bận rộn. Bây giờ đã là tháng năm. Chỉ mấy tháng nữa là Ngọc Mai phải về nhà để đi học. Nhưng mà ông ngoại đã làm một người bất ngờ, ông muốn Ngọc Mai học trường tiểu học Nam Du. Đây là trường tiểu học tốt nhất huyện. Hơn nữa, học phí sẽ do ông nộp. Bố mẹ cô muốn phản đối nhưng không được. Ngọc Mai rất bất ngờ nhưng rất nhanh liền vui vẻ, cô sẽ không cần học cùng Phương Linh kia. Thật tốt. Hơn nữa trường này là trường học tốt nhất huyện cả về cơ sở cùng con người, cô trước đây cũng rất muốn học. Bây giờ mong muốn lại thành hiện thực. Tốt quá. Cô sẽ không phụ sự lo lắng của mọi người. Nhất định.

 

 

7 bình luận trong “Trùng sinh Vũ Ngọc Mai – Cáo Chín Đuôi (chương 8)

  1. hic, sao lâu quá không thấy nàng post chương mơi vậy????????truyện hya quá mà, lần đầu đọc truyenj có hơi hớm Việt Nam vậy lun đó

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Page Reader Press Enter to Read Page Content Out Loud Press Enter to Pause or Restart Reading Page Content Out Loud Press Enter to Stop Reading Page Content Out Loud Screen Reader Support
error: Content is protected !!
icons8-exercise-96 chat-active-icon