Chương 2: không học mẫu giáo.
“Ngày kia Bống sẽ về nhà đi học mẫu giáo nhé.” Mẹ vừa bóc bánh giò cho cô, vừa nói.
Ngọc Mai nhận lấy cái bánh giò trắng trắng trong trong lại nóng hổi, cắn một miếng, ôi mĩ vị.
“Mẹ ơi, mẹ cũng ăn bánh đi. Bà ơi, bà vào ăn bánh. ” cô lon ton đi gọi bà.
“Bà vào ngay đây, ngày kia Bống về nhà rồi, thế mai đi chùa với bà nhé.” Bà đang ngâm đỗ, nghe cô gọi liền rửa tay đi vào nhà, bà cô biết làm nhiều thứ lắm, bà đang ngâm đỗ để làm giá ăn.
“Mẹ ơi, con ở nhà bà một năm nữa nhé, con không đi học mẫu giáo được không?” Đợi bà đi vào, cô liền nhìn mẹ nghiêm túc nói. Bà và mẹ bị cô nghiêm túc như vậy làm cho kinh ngạc.
“Bống sợ đi học à, đi học rất vui vẻ, sẽ có nhiều bạn mới.” Nhưng mẹ lại cho rằng cô có lẽ không thích đi học như những đứa nhỏ khác mà thôi.
“Không phải ạ. Vì Bống biết đọc, biết viết với làm toán rồi mà. Cậu Hoàng với anh Thiên có dạy con mà.” Như để hai người tin tưởng, cô lạch bạch chạy đi lấy vở mà cậu cho.
Trong đó cô nắn nót viết, cố gắng viết cho giống trẻ con một chút nhưng cũng rất đẹp, lại có mấy bài toán lớp một, lớp hai đơn giản đã được làm xong. Mẹ cầm lấy vở viết nhìn một lượt, trong mắt là do dự, bà không ngờ con gái mình lại viết được như vậy.
“Nếu không thì con về bàn lại với chồng xem, có thể để con bé ở đây một năm nữa hay không? Sáu tuổi về đi học là được mà.” Bà cũng luyến tiếc cô. Nói thật trên đời này khẳng định bà là người thương yêu cô nhất đấy. Cô vẫn nhớ ngày trước khi mẹ đem cô về nhà, bà đã buồn lắm, cô cũng buốn, cách hai ba ngày lại đòi xuống bà. Nhà cô cách nhà bà bốn, năm cây số. Cậu Hoàng rảnh là lại lên đem cô đi chơi, hoặc anh trai cô – anh Lâm , được nghỉ học là lại mang cô xuống nhà bà.
“Vậy Bống ở đây với bà, mẹ về hỏi bố xem. Bố đồng ý thì Bống sẽ không học mẫu giáo, rồi ở với bà thêm một năm nữa nhé.” Suy nghĩ một chút, mẹ cũng gật đầu. Bà biết mẹ minh cùng con gái rất là thân thiết. Học mẫu giáo chỉ để cho đám trẻ đi vào khuôn khổ, nhận mặt chữ, mặt số, ghép vần. Bây giờ con gái bà lại biết đọc viết rồi, đi học đúng là chỉ để chơi thôi. Rất lãng phí thời gian.
Ngọc Mai vui vẻ cười. Chỉ cần không phải đi học mẫu giáo cùng với bọn trẻ suốt ngày y nha nha, khóc lóc làm nũng, quần áo bẩn thỉu thì cô sẽ cố gắng tranh thủ sự ủng hộ. Hơn nữa, cô nhớ lần này về nhà, cũng là lần đầu tiên cô gặp em họ – Trần Phương Linh. Ông ngoại của Phương Linh và ông nội cô là hai anh em ruột. Bố mẹ cô vì muốn giúp cô làm quen nhanh chóng với các anh chị em họ, đồng thời quen trường quen lớp cho nên đã mang em họ cùng tuổi với cô đến giúp cô. Em họ rất tốt, rất thân thiết, rất biết cách làm nũng lấy lòng người khác. Ban đầu cô rằng đó là do em họ ngây thơ, nhưng mà bây giờ nghĩ laị thì mọi việc không hẳn như những gì mà chúng ta nhìn thấy.
___________
“Bống không muốn học mẫu giáo sao? Là con sợ đi học hay không thích các bạn?” Ngay tối hôm ấy, ông ngoại đã hỏi chuyện cô.
“Dạ, thưa ông, con không phải không muốn đi học hay không thích chơi với các bạn. Con chỉ là thấy thật lãng phí thời gian.” Nói đến đây Ngọc Mai liền chạy đến ôm cánh tay ông ngoại, lắc lắc :” con muốn đi học võ với anh Thiên, năm nay là lúc học võ tốt nhất mà. Ông ngoại, ông đồng ý cho con đi. Con sẽ cố gắng chăm chỉ học bài với cậu, cũng cố gắng học võ thật tốt.” Ngọc Mai chớp đôi mắt, khuôn mặt bầu bĩnh, cái miệng khẽ chu lên làm nũng, rất đáng yêu đây là cô học theo em họ Phương Linh, kể ra thì em họ cũng dạy cô khá nhiều, ví như hiện tại, chính là dùng lợi thế trẻ con mà làm nũng, mè nheo.
“Con bé này, . . .” Ông ngoại cười xoa đầu Ngọc Mai, ông toàn cháu trai cho nên đương nhiên yêu cầu đặt ra cho mấy đứa cháu tất nhiên là rất cao. Đứa nhóc nào cũng sẽ đi học võ từ lúc năm tuổi, cả mấy đứa con trai của ông cũng thế. Nhưng mà cháu gái thì ông không bắt buộc, đấy là tùy vào sở thích của nó thôi. Đương nhiên ông cũng hi vọng cháu mình thích. Nhưng mà theo thời gian quan sát, ông thấy nó rất nghịch ngợm, thông minh, lại không có ý định học võ vẽ gì cả, lại thêm nó sẽ phải về nhà, nên ông cũng đành buông. Ông không ngờ là nó lại không đồng ý học mẫu giáo. Lúc nghe tin này ông chỉ nghĩ nó không thích ràng buộc, không thích đi học như bao đứa trẻ con khác mà thôi. Nhưng không ngờ con bé lại nói như vậy. Khiến ông vui mừng nhưng cũng lo lắng. Vui là vì cháu gái thông minh, còn nhỏ đã có chủ kiến. Lo là vì nó chỉ nhất thời thích nên thế chứ không kiên trì.
“Bố, bố đồng ý đi ạ. Vì con thấy Bống đúng là không cần học mẫu giáo đâu. Học luôn lớp hai, lớp ba thì còn được. ” khi ông ngoại còn đang suy nghĩ thì Ngọc Mai đã nháy mắt với cậu Hoàng. Lúc chiều, khi ông ngoại chưa ở Ủy ban về thì cô đã đem chuyện nói cho cậu và nhanh chóng thu được đồng minh. Cậu cũng giống bà ngoại, rất thương cô. Cậu hay cho cô bám càng khi đi chơi lắm. Bạn bè của cậu cô cũng biết gần hết. Có một người sau này còn theo đuổi cô, nhưng toàn bị cô trốn tránh. Cô còn trêu anh ta, nếu muốn làm bạn trai cô thì phải tập gọi cậu Hoàng là cậu xưng cháu dần đi. Kể ra thì dù không yêu nhau, nhưng đấy vẫn là một kỉ niệm đẹp trong hồi ức của cô.
“Hai đứa nó nói phải đấy, ông đồng ý đi. Để bà cháu tôi còn ở với nhau thêm một năm.” Thấy ông đang do dự, bà ngoại đang khâu áo cũng ngẩng đầu nói.
“Thôi được, ai cũng xin cho con, vậy thì ngày mai ông sẽ nói chuyện này với bố mẹ con. Còn con, đã hứa sẽ chăm chỉ thì không được phép lười biếng. Nếu không ông sẽ nói bố mẹ con đem con về đi học mẫu giáo nhé.” Vợ con đều đã nói vậy thì ông cũng thuận theo. Ông tuy không mấy khi bày tỏ cưng chiều con cái nhưng ở một thời điểm nào đó ông lại rất coi trọng ý kiến của con cái. Đương nhiên việc học của cậu cũng vậy. Nếu không phải ông tôn trọng ý kiến của cậu thì cậu đừng nói là sẽ thi và học Bách khoa, bằng năng lực của ông việc mạnh mẽ tống cậu vào một trường quân đội nào đó ở thời điểm này là quá đơn giản.
“Dạ, con hứa ạ. Con cảm ơn ông.” Ngọc Mai vui vẻ vỗ tay, lại ôm ông ngoại một cái. Có lời nói của ông ngoại thì bố mẹ cô nhất định sẽ đồng ý.
Bố cô không phải bộ đội. Nhưng tính đến hiện tại thì ông đãcó mười năm công tác trong ngành công an, cho nên ông rất ủng hộ cách giáo dục con cái của ông ngoại. Mẹ cô vốn dĩ là giáo viên cấp một nhưng là cái thời mà người giáo viên còn phái buổi sáng đi dậy buổi chiều đi làm hàng sáo ( mua thóc lúa về xay sát, sau đó đem gạo bán. Từ này bây giờ ít dùng, nhưng những năm cuối thế kỉ hai mươi thì rất phổ biến.), nuôi lợn, trồng rau, bán vải (đây là nói vải may quần áo. Thời này quần áo may sẵn không nhiều, người ta toàn mua vải về để may quần áo, có thể tự may hoặc đem ra tiệm may ),. . .đồng lương còi cọc, ít ỏi không đủ trang trải gia đình cho nên mẹ cô đã nghỉ hẳn nghề giáo mà đi buôn bán. Cô nhớ được mẹ đã rất cực khổ, vất vả từ làm hàng sáo, hàng vải, bán hoa quả, rồi đi bán giầy dép dạo, cuối cùng mẹ bán chè khô, chè tươi. Chè khô là lên tận Thái Nguyên để lấy còn chè tươi thì mua trong Ninh Bình về. Cô nhớ là khi mẹ nghỉ nghề giáo là khi cô đang học lớp hai và em trai cô vào lớp một. Như vậy là còn hai năm nữa, kiếp này cô sẽ không để mẹ nghỉ. Mẹ là giáo viên giỏi, rất thương học sinh, mẹ nghỉ thì thật đáng tiếc.
“Nào, ra học bài nào, học hành chăm chỉ.” Cậu Hoàng vẫy tay gọi, cắt ngang dòng suy nghĩ của cô.
“Vâng ạ” lon ton chạy đến bàn học, vì còn lùn nên cô ngồi ghế thì với không tới, bà đã giúp cô kê hai miếng đệm dày để ngồi. Bà tâm lí nhất, luôn luôn chú ý đến mọi thứ, rất cẩn thận, tỉ mỉ, chỉn chu.
Bà ngoại không học nhiều, bà chỉ ở nhà làm nông, trồng rau, làm bánh, làm bún, làm đậu phụ. . . Nhưng mà bà rất thấu tình đạt lý. Bà giảng rất nhiều chuyện đạo lý mà nhiều người có học chưa chắc hiểu hết. Bà lấy ông khi bà mười ba tuổi, ông mười sáu tuổi. Nói là lấy nhưng cũng chỉ là đính hôn thôi. Đến năm bà mười sáu, ông mười chín hai người mới chính thức về ở cùng nhau. Cũng cùng năm ấy ông lên đường nhập ngũ, vào nam chiến đấu. Bà mang thai, mỏi mòn chờ đợi. Vừa cố gắng làm dâu thảo, vừa cố gắng làm mẹ hiền. Khi bà sinh mẹ cô thì ông ngoại không ở nhà. Thư từ ngày đó rất khó khăn, mấy tháng mới gửi đến nơi. Thậm chí hơn một lần, bà nhận được tin báo tử của ông. Nhưng bà vẫn mỏi mòn chờ đợi. Mười năm có lẻ. Từ lúc ông nhập ngũ là một tân binh, đến khi bà gặp lại ông là ông mang quân hàm Thiếu tá, vừa vặn bằng tuổi của mẹ cô. Bà còn nói, lúc ông trở về, vì số ng lâu ngày nơi rừng thiêng nước độc, bom đạn chiến tranh, bệnh sốt rét hành hạ, đầu ông không có một sợi tóc. Mẹ cô thấy ông khác hoàn toàn người thanh niên cương nghị, điển trai, cao lớn trong ảnh chụp trước ngày nhập ngũ thì khóc chạy đi, nói không phải bố. Bà phải dỗ một ngày mới chịu nhận ông.
Bây giờ ông đã xin về nghỉ, ông nói, nửa đời người chỉ lập công, phấn đấu, để bà phải tất tả ngược xuôi lo lắng một mình, ông thật có lỗi với bà, ông cũng không quên ngày mới trở về con gái cũng không nhận ông. Cho nên ông đến đây đã là quá đủ, nợ nước đền xong, ông bây giờ về với bà. Người ta giữ ông, nói chuyển công tác cho ông lên Trung ương, phong hàm thiếu tướng, nhưng mà ông viết đơn từ chối. Bà hỏi lý do, ông chỉ cười, ông bảo ông chỉ cần bà công nhận ông là tướng là được còn ông không cần ai công nhận. Đấy là một trong số ít lần cô thấy ông nói đùa. Tình yêu của ông bà nó không như giới trẻ sau này điên cuồng, mù quáng, vồ vập nhưng lại dễ dàng thay đổi, nói yêu nhau nhưng lại có thể nói chuyện, đi chơi, thậm chí là lên giường cùng người khác. Tình yêu của ông bà nó còn có cả tình yêu nước, còn thấm đẫm chia li, ướt nhòe nước mắt, hi sinh cho nhau, thậm chí là sinh ly tử biệt. Tình yêu của ông bà nó thiêng liêng lắm, cũng vững chắc lắm, chẳng đổ vỡ như cơm bữa giống giới trẻ bây giờ đâu.
Nói thì nói là nghỉ, nhưng mà cuối cùng ông vẫn phải giữ chức Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam của huyện. Nhưng ông cũng vui vẻ, dù sao thì mỗi lần gặp mặt, những người lính như họ có vô vàn câu chuyện, cô hay theo đuôi ông đi đến đó lắm, cũng thích nghe những chuyện này. Cô còn nhớ năm cấp hai, khi phải phân tích bài “Tiểu đội xe không kính ” của Nhà thơ Phạm Tiến Duật thì cô đã lồng vào đó câu chuyện có thật của một người bạn là lính lái xe trên con đường gian nan khói lửa ấy của ông ngoại, vô cùng chân thực, thầy giáo thậm chí cho cô chín điểm. Đấy là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong đời cô được chín điểm văn.
“Nhóc con này, con định học võ với nhóc Thiên kia hả? Sẽ vất vả lắm đấy. Thầy Trường nghiêm khắc lắm. Không đùa được đâu.” Đang chăm chú tập viết thì cậu Hoàng quay sang nói một câu như vậy.
“Con không sợ. Con nhất định đánh bại anh Thiên, sau đó đánh bại các anh khác rồi đánh bại cậu, sau đó là cậu Minh, hi hi.” Cô buông bút, ngẩng đầu cười, nháy nháy ánh mắt, trêu tức cậu.
“Á, à, giỏi đánh bại mấy thằng nhóc kia thì được, lại dám nghĩ đánh bại cậu à? Làm phản rồi.” Cậu Hoàng giả bộ tức giận sau đó nhanh như chớp, cù léc cô, làm cô cười ngặt nghẽo xin tha. Ông bà cũng cười nhìn hai cậu cháu náo loạn.
“Cậu ơi, viết thư cho cậu Minh, cậu đừng nói con học võ nhé. Để đến Tết cậu Minh về phép con sẽ hù cậu ấy. Hi hi.” Khi tạm đình chiến, cô liền nháy mắt tinh quái với cậu Hoàng.
“Được.” Cậu gật đầu vui vẻ. Anh cũng muốn nhìn vẻ mặt cương nghị của anh trai mình sẽ thay đổi như thế nào. Ha ha. Nhất định sẽ rất vui. Xét về bày trò tinh quái, cậu cháu anh mà nhận thứ hai thì không ai dám đứng thứ nhất.
Lượt xem: 31
Số người xem: 21
Mã ID của bài viết này là: 2733
Chươg này dễ thươg quá hj
Um, còn bé mà, cho nên cứ vui vẻ đi thôi. H mà đc làm trẻ con lần nữa, ta đảm bảo sẽ còn vui vẻ hơn thế
truyen hay lam,ban cao ơi cho mjh hoi lich dag truyen nay voi nag,thanks nag truoc
Tạm thời đăng thứ 3 và thứ 7. Khi nào ổn định sẽ tăng chương
cam ơn nag,ta se luon theo doi
Rất hay…hahahaha Ngọc Mai còn bé rất dễ thương..ko biết lớn thì thế nào nhỉ cáo
Lớn lên sẽ là ác ma đấy hihi